Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, hiện tốc độ tăng trưởng của các đơn vị doanh nghiệp ngành xây dựng đạt từ 12 – 16%/năm, kéo theo tổng năng lượng tiêu dùng trong khu vực xây dựng ước tính chiếm khoảng từ 20 – 24% tổng năng lượng quốc gia.
Theo Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Xây dựng) Nguyễn Thế Hùng, trong điều kiện hiện nay khi giá nhiên liệu, điện năng ngày một tăng cao, vấn đề năng lượng lại càng trở nên bức xúc. Việc sử dụng lãng phí thất thoát nguồn tài nguyên đang làm suy giảm, gây tác động xấu đến môi trường sống.
Cũng theo ông Hùng, nếu quản lý tốt khâu thiết kế xây dựng công trình theo hướng sử dụng năng lượng có hiệu quả, sẽ tiết kiệm được từ 20 – 30% năng lượng tiêu thụ trong khu vực này.
“Không xanh, không phải là kiến trúc tốt”
Nhiều chuyên gia trong ngành xây dựng cho rằng, việc sử dụng lãng phí năng lượng và tài nguyên trong các công trình xây dựng tại Việt Nam đến từ năm nguyên nhân sau.
Đó là thiết kế kiến trúc tòa nhà chưa phù hợp trong môi trường khí hậu nhiệt đới ẩm; chỉ định sử dụng vật liệu tùy tiện (cách âm, cách nhiệt tường, cửa sổ..); chưa bắt buộc sử dụng các công nghệ trong thiết bị công trình theo hướng khai thác năng lượng tái tạo; sử dụng thiết bị gia dụng có hiệu quả cao (điều hòa, tủ lạnh, hệ thống chiếu sáng…) và quản lý năng lượng, điều tiết các hệ thống…
TS. Lê Thị Bích Thuận, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc – Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) cho rằng, để có một ngôi nhà sử dụng năng lượng hiệu quả, phải xem xét đến khả năng tiêu hao năng lượng thấp nhất. Ví dụ, tiêu chuẩn về vật liệu bao che phải đạt được yêu cầu chống bức xạ mặt trời, nhiệt truyền qua tường bao ngoài và mái, cách nhiệt với thiết kế bố trí cửa sổ và cửa đi…
Tuy nhiên, theo bà, xu hướng trong xây dựng ở Việt Nam hiện nay là sử dụng vật liệu xây dựng và công nghệ mới như kính, bê tông nhẹ chịu lực cao… vào các công trình xây dựng cao tầng. “Người sử dụng cũng như các tiêu chuẩn về loại vật liệu này đã không tính đến điều kiện khí hậu của Việt Nam để tận dụng gió trời và ánh sáng tự nhiên”, bà nói.
Bà Lê Thị Bích Thuận tính toán, kinh phí xây dựng “tòa nhà xanh” chỉ tăng thêm 1% so với các cao ốc tương tự xây theo kiểu thông thường. Tuy nhiên, số kinh phí tăng thêm này sẽ nhanh chóng được bù lại nhờ tính năng tiết kiệm năng lượng của tòa nhà.
“Chúng ta không nên coi kiến trúc xanh tiết kiệm năng lượng khác với kiến trúc thông thường”, bà trích dẫn lời của ông Rob Watson – Chủ tịch Hệ thống xếp loại nhà xanh Leeds (Anh). “Chỉ có kiến trúc tốt và kiến trúc tồi. Nếu không xanh, đó không phải là kiến trúc tốt”.
Xây dựng “tòa nhà xanh” là bắt buộc
Chia sẻ quan điểm này, TS. Nguyễn Quang Cung, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, hầu hết các nước trên thế giới đều có những “ngôi nhà mẫu” tiết kiệm năng lượng, nhưng ở Việt Nam đến nay vẫn chưa hề có.
Việt Nam cũng chưa có thống kê cụ thể, chính xác những loại vật liệu có tính năng sử dụng giảm thiểu việc cung cấp năng lượng. Cũng đang thiếu những hướng dẫn cụ thể về cách lựa chọn vật liệu để sử dụng trong các công trình đô thị và kiến trúc nhằm đạt tiêu chí tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, chủ đầu tư chưa đặt bài toán cho nhà thiết kế về việc thiết kế các công trình tiết kiệm năng lượng.
Mặt khác, thể chế quản lý và động viên các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm cũng như xử phạt các công trình thiết kế không đảm bảo yêu cầu tiết kiệm tại Việt Nam chưa có. Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới mặc nhiên coi việc sử dụng vật liệu tiết kiệm năng lượng để xây dựng “tòa nhà xanh” là một điều bắt buộc. Họ có các chế tài xử phạt ô nhiễm môi trường và lãng phí năng lượng rất chặt chẽ.
TS. Cung dẫn chứng, tại Giang Tô (Trung Quốc), toàn bộ diện tích đầu tư các công trình nhà ở, công trình công nghiệp mới thực hiện 50% chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng nhưng đã tiết kiệm được 500 KW điện. Còn ở Anh, tại các cao ốc văn phòng các thiết bị làm việc tỏa nhiệt lớn, họ đã sử dụng hệ thống làm mát tự nhiên giúp không khí trong lành về mùa hè, nhưng ấm về mùa đông do tích trữ nhiệt.
Theo ông Cung, dự kiến cuối năm 2008 Chính phủ sẽ ban hành Luật Tiết kiệm năng lượng quốc gia, trong đó có tiết kiệm năng lượng trong các công trình xây dựng. Theo luật này, khi thiết kế công trình bắt buộc bản thiết kế phải tuân thủ mọi quy định của luật tiết kiệm năng lượng, nếu không công trình đó không được phép thi công.
Đồng thời, để tiết kiệm năng lượng ngay từ khâu sản xuất vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo tất cả các nhà máy sản xuất xi măng phải lấy khí thải (nhiệt thừa) từ ống khói đưa qua hệ thống lọc lấy nguyên liệu cho vào sản xuất, còn khí nóng chạy máy phát điện.
Hiện mới chỉ có một số nhà máy xi măng như Hà Tiên 2 (Kiên Giang), Công Thanh (Nghi Sơn, Thanh Hóa) thực hiện. Với công nghệ này, khí thải một nhà máy xi măng có thể cung cấp tới 1/3 lượng điện tiêu thụ cho chính nhà máy đó.
(Theo nguồn vneconomy.vn)