05/03/2022
08 Xu Hướng Ứng Dụng Công Nghệ Trong Ngành Bán Lẻ
Trong nhiều năm qua, sự phát triển của công nghệ luôn có tác động mạnh mẽ đến ngành bán lẻ. Lý do chủ yếu là vì nhu cầu mở rộng của nền tảng thương mại điện tử, trải nghiệm mua sắm ít tiếp xúc hoặc không tiếp xúc. Và dưới đây là những ứng dụng công nghệ góp phần thúc đẩy ngành bán lẻ phát triển nhanh hơn bao giờ hết.
1. Quản lý và thực hiện đơn đặt hàng trực tuyến
Các doanh nghiệp bán lẻ đang dần thích nghi với cơn bão thương mại điện tử bằng cách tập trung vào tốc độ và sự linh hoạt trong việc xử lý đơn hàng. Các dịch vụ như giao hàng trong ngày, ngày hôm sau hoặc các điểm giao hàng tập trung cho phép đơn hàng được xử lý nhanh chóng. Ngoài ra, việc đặt hàng trực tuyến cũng là chìa khoá để tích hợp nhiều kênh bán hàng, vừa thúc đẩy quá trình phân phối đơn hàng, vừa đáp ứng thói quen mua hàng trực tuyến vốn đã trở thành một xu hướng mới.
2. Tích hợp POS với công cụ tìm kiếm Google
Hệ thống POS (Point of Sale) hay còn gọi là điểm bán hàng. Về cơ bản, hệ thống POS là sự kết hợp giữa phần cứng và phần mềm để tạo ra một quy trình giao dịch hoàn chỉnh. Các điểm bán lẻ có thể tích hợp hệ thống POS của họ với công cụ tìm kiếm trực tuyến như Google. Khi khách hàng tìm kiếm thông tin sản phẩm thì thông tin của điểm bán cũng sẽ được hiển thị. Hiện nay, Google tìm kiếm và Google Maps có sẵn các giải pháp cho phép tích hợp hệ thống POS, một xu hướng có ích cho các nhà bán lẻ địa phương.
3. Công nghệ kiểm kê và quản lý
Vì các nhà bán lẻ ngày càng tập trung vào hệ thống kỹ thuật số nên công nghệ quản lý và kiểm kê cũng đã có những bước tiến nhảy vọt. Cụ thể là các công cụ cung cấp khả năng quản lý chuỗi cung ứng tự động, kết hợp quản lý đơn đặt hàng bằng AI, phân tích hàng tồn kho theo thời gian thực,…. Dữ liệu cũng đóng một vai trò rất lớn trong lĩnh vực này, do một số hệ thống có tích hợp khả năng dự báo đơn hàng trong tương lai gần.
4. Trải nghiệm đa kênh
Thay vì tạo ra xung đột giữa kênh bán hàng truyền thống và kênh thương mại điện tử, các thương hiệu ngày nay đã tạo ra một hệ thống tích hợp đa kênh, hợp nhất thông điệp của thương hiệu và làm cho nó nhất quán trên các điểm bán hàng tiềm năng. Để kết nối đa kênh từ online đến offline, các nhà bán lẻ cần phải tận dụng công nghệ từ máy tính, thiết bị di động, các nền tảng mạng xã hội và nền tảng bán hàng trực tuyến.
5. Giao hàng tự động
Đây là một công nghệ tiên tiến trong tương lai. Những gã khổng lồ vận tải biển và các nhà bán lẻ lớn đã sử dụng các Robot phân loại hàng trong nhà kho và bến cảng. Các máy bay không người lái cũng đang được đầu tư cho các chuyến giao hàng chặng cuối. Những lợi ích của công nghệ hướng tới tương lai này là ít phụ thuộc hơn vào giờ làm việc và khắc phục tình trạng thiếu tài xế.
6. AI và Chatbots
Đầu tư vào công nghệ AI trong lĩnh vực bán lẻ tiếp tục có xu hướng tăng. Phần lớn các giải pháp AI chủ yếu tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm của khách hàng, nhận diện sở thích của người tiêu dùng để gợi ý sản phẩm phù hợp hơn. Ngoài ra, AI còn phục vụ các mục đích khác trong bán lẻ, cho phép cải thiện hậu cần và quản lý hàng tồn kho tốt hơn, đồng thời tích lũy dữ liệu cho các quyết định kinh doanh về sau. Việc ứng dụng Chatbots trong lĩnh vực bán lẻ đã đảm bảo sự tương tác mọi lúc khách hàng cần, từ việc tư vấn, mua sắm, đánh giá đều được thực hiện nhanh chóng trên nền tảng trực tuyến.
7. Công nghệ tự động hóa
Đây là xu hướng công nghệ bán lẻ được quan tâm nhiều nhất hiện nay, bao gồm việc tự động hóa nhiều bước trong quy trình mua hàng. Ví dụ như người mua sẽ đăng ký và hàng hóa sẽ được gửi tự động khi đến hạn định. Công nghệ này thường được áp dụng cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân, làm đẹp, nguyên liệu nấu ăn.
8. Thanh toán không tiếp xúc
Thanh toán không tiếp xúc đã xuất hiện trong nhiều năm nay, đặc biệt hệ thống thanh toán dựa trên điện thoại đã được triển khai tại một số địa điểm bán lẻ cách đây khá lâu. Việc đại dịch bùng nổ đã góp phần thúc đẩy tốc độ ứng dụng công nghệ, làm cho việc thanh toán không tiếp xúc trở nên phổ biến hơn.
Năm 2021, Grove Fresh đã đưa vào hoạt động mô hình “Cửa hàng tự động – thanh toán không tiếp xúc” nằm hỗ trợ TP.HCM chống dịch bệnh Covid 19.
Để không bị bỏ lại trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, đây là thời điểm để doanh nghiệp bắt đầu đặt ra những mục tiêu cụ thể và từng bước tích hợp công nghệ vào mô hình bán lẻ của mình.